kiến thức y khoa

Bệnh viêm gan virus - Những điều bạn cần biết
[ Cập nhật vào ngày (18/07/2022) ]

Viêm gan siêu vi (viêm gan do vi rút) là kẻ giết người thầm lặng vì tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Cứ 30 giây lại có một người chết vì bệnh liên quan đến viêm gan. Để hành động chống lại bệnh viêm gan do vi rút, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn ngày 28/7 hàng năm là ngày Thế giới Phòng chống viêm gan.


Các bệnh viêm gan do vi rút có thể được gọi là bệnh thầm lặng vì những người mắc viêm gan B, C sẽ không có bất kỳ biểu hiện hay triệu chứng nào. Điều này khiến họ vô tình làm lây lan virus sang người khác. 

Việt Nam nằm trong vùng có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao trên thế giới. Viêm gan vi rút nếu không được phát hiện sớm và điều trị tốt sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng như xơ gan, ung thư gan và nó được ví như “sát thủ thầm lặng” với sức khỏe con người. Tỷ lệ mắc ung thư gan tại Việt Nam xếp thứ 4 thế giới, trung bình cứ 100.000 dân có hơn 23 người mắc bệnh. Trong khi đó, 80% ca ung thư gan bắt nguồn từ viêm gan B, 5% từ viêm gan C… Để hạn chế viêm gan tiến triển thành ung thư gan thì việc tầm soát sớm viêm gan giúp đánh giá và điều trị toàn diện, từ đó ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh gan.

1. Viêm gan

Gan là một cơ quan quan trọng việc xử lý các chất dinh dưỡng, lọc máu và chống lại nhiễm trùng. Một khi gan bị viêm hoặc bị hư hại, chức năng của nó có thể bị ảnh hưởng. Sử dụng rượu nặng, nhiễm độc tố, một số loại thuốc và một số vấn đề sức khỏe khác có thể gây ra viêm gan. Tuy nhiên, viêm gan thường do vi rút gây ra.

2. Viêm gan A

Hiện nay, việc bùng phát bệnh viêm gan A chủ yếu xảy ra trên nhóm người sử dụng ma túy, nhóm người vô gia cư và nhóm nam qua hệ tình duc đồng giới nam. Viêm gan A phổ biến ở hầu hết tất cả các nước, đặc biệt là ở các nước điều kiện vệ sinh còn lạc hậu.

Viêm gan A có thể tồn tại trong vòng vài tuần đến vài tháng. Viêm gan A lây lan khi một người tiếp xúc với đồ vật, thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm phân của người bị bệnh dù với lượng rất nhỏ.

3. Viêm gan B

Viêm gan B là nguyên nhân chính gây ra ung thư gan. 15%-25% ca viêm gan B mãn tính có nguy cơ phát triển thành các bệnh gan mãn tính như xơ gan, ung thư gan và suy gan. Hiện nay vắc xin đặc chủng cho việc phòng ngừa vi rút viêm gan B đã được sử dụng rộng rãi.

Viêm gan B có thể phát triển ban đầu từ một bệnh nhẹ, kéo dài một vài tuần và diễn tiến đến một tình trạng nghiêm trọng và mãn tính. Hơn 90% trẻ sơ sinh chưa được tiêm chủng bị nhiễm trùng mạn tính, nhưng 6%-10% trẻ lớn và người lớn bị nhiễm viêm gan B.

Viêm gan B chủ yếu lây lan khi máu, tinh dịch hoặc một số dịch cơ thể từ một người bị nhiễm vi rút viêm gan B xâm nhập vào cơ thể của người không bị nhiễm bệnh, dù với một lượng rất nhỏ.

4. Viêm gan C

Khoảng 50% những người bị viêm gan C không biết tình trạng bệnh của bản thân. Viêm gan C là nguyên nhân chính gây ung thư gan.

Viêm gan C có thể từ một bệnh nhẹ, kéo dài một vài tuần, đến nhiễm trùng nghiêm trọng, suốt đời (mãn tính). Hầu hết những người bị nhiễm virus viêm gan C đều bị viêm gan C mãn tính. Hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan C. Có tới 75%-85% ca nhiễm vi rút viêm gan C phát triển thành các bệnh mãn tính, 5%-20% trường hợp viêm gan C mãn tính phát triển thành xơ gan và 1%-5% các ca xơ gan do viêm gan C gây ra sẽ bị tử vong hoặc bị ung thư gan.

Viêm gan C lây lan khi máu từ một người bị nhiễm bệnh xâm nhập vào cơ thể của người không bị nhiễm bệnh.

5. Cách phòng ngừa

Đầu tiên cần tiêm phòng vaccine đầy đủ và sớm nhất có thể. Trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng viêm gan B càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Với thanh thiếu niên và người lớn, cần xét nghiệm máu xem đã bị nhiễm viêm gan B chưa. Nếu chưa bị mà cơ thể chưa có kháng thể thì cần tiêm phòng ngay để bảo vệ cho bản thân mình.

Ngoài ra, để phòng ngừa các bệnh viêm gan do virus, trước tiên cần kiểm soát đường lây nhiễm. Nấu chín thức ăn và ăn khi còn nóng. Không ăn những thực phẩm còn sống, tái như gỏi cá sống, tiết canh... Uống nước đun sôi để nguội. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho em bé, trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Rửa rau và trái cây bằng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước chảy. Không dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm mình, môi, lông mày và các vật dụng cá nhân như bàn chải răng, dao cạo... với người khác. Không để các vết thương bị hở tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.




Hoàng Thị Thúy Kiều Em – Tổ TTGDSK - TTYT huyện Thoại Sơn




Text/HTML

Thông báo


Tìm kiếm

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO