Ngoài mụn nước, trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn. Trẻ lớn hơn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, buồn nôn và nôn. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt thủy đậu sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu bị nhiễm trùng thì mụn nước có thể để lại sẹo. Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ chỉ vài mụn thủy đậu cho đến hơn 500 mụn trên thân thể.
Bệnh thủy đậu lây lan rất nhanh. Ngay trong thời kỳ ủ bệnh, tức trước khi có ban xuất hiện đã có thể lây bệnh cho người khác. Bệnh lây mạnh nhất vào thời điểm trước sốt 4 ngày và sau sốt 4 ngày. Do đó, cần cách ly để đề phòng lây lan.
Biến chứng của bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi các nốt mụn vỡ hoặc bị trầy xước, bong tróc có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy, nhiễm khuẩn da,... gọi là bội nhiễm da thứ phát, các mụn thủy đậu này cũng để lại sẹo sâu trên da, rất khó hồi phục.
Một biến chứng của thủy đậu có thể mắc phải là bệnh viêm tai ngoài, viêm tai giữa. Các mụn rộp của thủy đậu có thể mọc trong tai, gây viêm nhiễm.
Các nốt thủy đậu khi bị vỡ hoặc trầy xước có thể bị nhiễm khuẩn, thậm chí nhiễm khuẩn huyết khi vi khuẩn xâm nhập từ mụn nước vào mạch máu.
Bệnh thủy đậu có thể dẫn đến biến chứng viêm thanh quản khi các nốt đậu mọc sâu trong họng hoặc niêm mạc miệng. Vi khuẩn từ các mụn này có thể xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây viêm họng, viêm thanh quản.
Bệnh viêm não, viêm màng não là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thủy đậu ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của trẻ.
Chăm sóc bệnh nhân thủy đậu
Khi trẻ sốt cao cần cho uống thuốc hạ sốt, ... Uống thuốc an thần chống co giật; Chống ngứa bằng các thuốc kháng histamin; Khi có bội nhiễm: dùng kháng sinh thích hợp. Đặc biệt chú ý tới công tác săn sóc: Xử lý tốt các nốt phỏng, nốt loét, đề phòng bội nhiễm. Vệ sinh da, giữ cho da khô sạch, không để cho trẻ gãi. Các nốt loét chấm dung dịch xanh mê-ty-len hoặc thuốc, mặc quần áo vải mềm, sạch sẽ; Vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý; Vệ sinh tai mũi họng; Đảm bảo mặc đủ ấm, tránh gió, ăn uống đủ dinh dưỡng và các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Người lớn có thể bị lây từ trẻ, hoặc là trở thành trung gian truyền bệnh. Bệnh ở người lớn thường diễn biến nặng hơn ở trẻ, do đó khi chăm sóc trẻ cũng cần chú ý để không bị lây bệnh. Những đồ dùng như quần áo, khăn mặt của người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng hoặc sấy khô diệt khuẩn.
Sai lầm khi thấy con bị thủy đậu là: các bậc cha mẹ nghĩ ngay đến việc chấm xanh mê-ty-len cho con vào các mụn nổi nốt. Việc làm này khi nốt phỏng chưa vỡ là không cần thiết. Chỉ khi nốt phỏng vỡ thì chấm trực tiếp thuốc xanh mê-ty-len vào nốt vỡ để làm se nốt và ngừa bội nhiễm, sát trùng khô nhanh.
Bên cạnh đó, quan niệm khi bé bị thủy đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió . Vì vậy, các bậc cha mẹ thường không tắm, lau rửa cho trẻ là không đúng. Thay vào đó, cha mẹ nên tắm cho con bằng nước ấm.
Ngoài ra, chú ý giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay, tránh gãi vì gãi làm nốt phỏng bị vỡ, có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay trạm y tế hoặc bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng, nguy hiểm.
Người bệnh cần được cách ly để tránh lây lan cho người khác. Thời gian cách ly từ lúc phát hiện bệnh cho tới khi ban hết mọc, vẩy đã bong hết.
Phòng bệnh thủy đậu
Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh thủy đậu: Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần. Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm 1 lần. Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, mũi tiêm nhắc lại cách mũi tiêm đầu từ 4-8 tuần.
Nếu đã được tiêm phòng vắc-xin thủy đậu thì khoảng 80 đến 90% có khả năng phòng bệnh. Vắc-xin thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại vi-rút thủy đậu, Tuy nhiên, khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu và thường không bị biến chứng./.